Với 25.000 máy hoạt động không bao giờ nghỉ, mỏ Bitcoin này có hóa đơn tiền điện lên tới 39.000 USD mỗi ngày.
Hiện tại, “Bitcoin” không phải là cụm từ quá xa lạ. Chỉ bằng vài cú search nhẹ nhàng trên Google với cụm từ “Bitcoin”, hàng tỷ kết quả sẽ trả về cho bạn biết chi tiết nó là gì, nó hoạt động như thế nào và giá cả hiện tại của nó nếu quy ra tiền thật là bao nhiêu.
Thế nhưng liệu bạn đã biết được quy trình thực sự của ngành công nghiệp Bitcoin này là như thế nào? Liệu bạn có tin được rằng có những nơi được gọi là “Trang trại Bitcoin” kiểu kiểu như nông trại vui vẻ nhưng thực tế chẳng vui vẻ lắm nhưng có thể kiếm đến 6 tỷ đồng với hóa đơn tiền điện phải trả chỉ 900 triệu đồng mỗi ngày hay không? Đây đều là những điều có thật.
Đầu tư vào bitcoin là một canh bạc
Mỏ bitcoin này được điều hành bởi công ty con của hãng Beijing Bitmain Technoligies. Vào năm 2015, Bitmain đã tiếp quản khu mỏ từ chủ cũ, người bắt đầu các hoạt động khai thác bitcoin từ năm 2014. Bitmain tuyên bố rằng đó là mỏ bitcoin lớn nhất thế giới.
Ngoài việc điều hành mỏ, Bitmain còn sản xuất những chiếc máy đào bitcoin, thường chỉ có một vi xử lý trong thùng máy cỡ nhỏ có thể kết nối internet. Ngoài ra, Bitmain còn điều hành Antpool một khu mỏ bitcoin lớn nhất thế giới.
50 cư dân Ordos làm việc tại mỏ hầu hết đều trong độ tuổi đôi mươi và có nhiệm vụ giám sát những chiếc máy đào bitcoin. Rất ít người hiểu về bitcoin nhưng hầu hết đều đã đầu tư vào tiền ảo này.
“Như một canh bạc”, Han Lei, 28 tuổi, người đã gắn bó với khu mỏ từ khi nó được thành lập tới nay thú nhận. Han đã đầu tư gần 3.000 USD vào litecoin và các tiền ảo khác nhưng không quan tâm tới bitcoin vì anh nghĩ rằng mức giá 4.000 USD hiện tại là quá cao. “Tóm lại, tôi chả hiểu gì về bitcoin” , anh nói, và anh cũng chia sẻ thêm rằng mình có quá ít thời gian cho việc theo dõi sự dao động của giá cả.
Hou Jie, một thợ mỏ 24 tuổi vừa tốt nghiệp đại học và được Bitmain tuyển gần đây, nói chuyện với giọng thấp và không tự tin. Tốt nghiệp ngành cơ khí và sản xuất, anh lần đầu nghe về bitcoin trong cuộc phỏng vấn với Bitmain tại sự kiện tuyển dụng ở địa phương dành cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Hai tuần gắn bó với công việc, anh cho rằng bitcoin là một đồng tiền ảo, tương tự cổ phiếu.
Hou tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ và đang theo dõi sát sao giá bitcoin để tìm thời điểm đầu tư hợp lý. “Mức giá hiện tại đang cao đỉnh điểm. Nếu tôi mua ngay bây giờ nó có thể giảm giá” .
MỎ KHAI THÁC BITCOIN HOẠT ĐỘNG 24/7/365
Trong nền kinh tế bitcoin, thời gian thực sự là tiền bạc. Mỗi 10 phút hoặc hơn, các cỗ máy cạnh tranh với nhau để giải quyết một bài toán nhằm giành lấy 12,5 bitcoin, một phần thưởng do phần mềm bitcoin đặt ra. Công việc này tương tự như việc cố gắng tìm ra mã két sắt trong hàng tỷ dãy số. Do vậy, càng có nhiều máy tính với khả năng xử lý cao bạn càng có cơ hội tìm ra mã két nhanh nhất và tăng cơ hội nhận được bitcoin.
Hiện tại, mỗi ngày các thợ mỏ bitcoin trên toàn thế giới kiếm được tới 7 triệu USD. Với năng lực đào bitcoin chiếm 4% toàn cầu, trung bình một ngày mỏ của Bitmain có thể kiếm được khoảng 280.000 USD (tương đương 6,3 tỷ đồng).
Do vậy, thợ mỏ có nhiệm vụ đảm bảo rằng những máy tính của họ hoạt động bình thường, 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần và 365 ngày một năm. Vì thế mà bộ phận vận hành và bảo dưỡng nơi Han và Hou đang làm việc cùng với khoảng 20 người khác có vai trò quan trọng nhất. Cả ngày lẫn đêm, sử dụng laptop, họ theo dõi tình trạng của các cỗ máy và tới nhà xưởng để kiểm tra, khắc phục những trục trặc nếu có.
Mỗi nhà xưởng đều được bao bọc kỹ bởi hai lớp lưới ngăn bụi. Chúng được thiết kế để bụi không lọt vào nhà xưởng gây nóng máy dẫn tới giảm sức mạnh hoặc hỏng máy. Những chiếc máy tính này chạy liên tục ở tốc độ tối đa nên chỉ cần tăng nhiệt độ một chút cũng có thể ảnh hưởng tới hiệu suất của chúng. Vào mùa xuân, những lớp lưới này có vai trò ngăn côn trùng. “Đây là những cỗ máy rất nhạy cảm nên chúng tôi phải thực hiện rất nhiều biện pháp bảo vệ” , Yu Linjia, người quản lý toàn bộ hoạt động tại khu mỏ chia sẻ.
Bất chấp nhiệt độ ngoài trời trong khu vực vào mùa hè ở mức 30 độ C, nhiệt độ trong các nhà xưởng luôn phải ở trong khoảng từ 15 tới 25 độ C. Đèn LED của những chiếc máy tính hắt ánh sáng lên mọi thứ trong xưởng. Và tiếng ồn phát ra từ những chiếc quạt tản nhiệt luôn rất to và không ngừng nghỉ. Khi làm việc, các thợ mỏ phải đeo tai nghe. Thông thường, nếu may mắn, thợ mỏ có thể khắc phục sự cố bằng cách khởi động lại máy hoặc cắm lại cáp. Còn khi xui xẻo, họ phải gỡ máy ra khỏi kệ và mang nó bàn giao cho phòng sửa chữa gồm 6 nhân viên làm việc trong tòa nhà văn phòng.
Với con số lên tới 25.000 chiếc, thường xuyên có máy bị hỏng. Nó giống như trò chơi đập sóc, máy này vừa sửa xong gắn lên kệ thì lại có máy khác gặp trục trặc. “Tôi luôn cố gắng hết sức, kiểm tra nhiều máy nhất có thể” , Hou nói. Hàng ngày, Hou theo dõi dàn máy từ 8h30 sáng tới 6h30 chiều.
Hou kể rằng đôi lúc anh mất cả ngày cho việc kiểm tra một nhà xưởng duy nhất. Mỗi nhà xưởng có khoảng 50 hàng kệ và mỗi hàng có khoảng 60 máy. Theo Han, trong một nhà xưởng nhất định vào một ngày nhất định, trung bình có khoảng hơn 10 máy bị hỏng. Con số này tăng lên gấp đôi trong ngày nắng nóng khi các cỗ máy bị nóng bất chấp việc trong xưởng có điều hòa. Vào giữa tháng Bảy, nhiệt độ ngoài trời ở Ordos lên tới 36 độ C. Han nói rằng không có cách nào để sửa hết những chiếc máy bị trục trặc trong thời gian đó.
Công việc, dù không nặng nhọc, tốn rất nhiều thời gian. Kể từ khi gia nhập công ty vào cuối thán Bảy, Hou chưa được về thăm nhà mặc dù nó nằm ngay trong trung tâm Ordos cách khu công nghiệp khoảng 70 km về phía Nam. Anh chia sẻ phòng ký túc ở tầng hai của tòa nhà văn phòng với bảy đồng nghiệp. Hầu hết trong số họ đều giống Hou, đều chưa lập gia đình. Sau giờ làm, Hou thường chơi bóng rổ với đồng nghiệp và theo anh đây là hoạt động giải trí duy nhất mà họ có.
Sau khi kết thúc giai đoạn thử việc kéo dài 3 tháng, Hou sẽ phải làm ca đêm bốn tới năm ngày mỗi tháng giống như các đồng nghiệp trong cùng bộ phận. Các thợ mỏ không có ngày nghỉ cuối tuần ổn định và nếu muốn nghỉ phải gửi đơn trước một tuần. Hou đang lên kế hoạch xin nghỉ một thời gian khoảng 2 ngày để về thăm cha mẹ và giúp họ công việc đồng áng.
CHÍNH QUYỀN ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG
Ordos nằm giữa ranh giới sự sống và cái chết sau khi ngành công nghiệp than có dấu hiệu đổ bể. Việc giảm giá điện tới 30% cho các công ty công nghệ như Bitmain từ chính quyền địa phương là bước đi không thể đúng đắn hơn.
Nhưng dù được giảm giá thì Bitmain vẫn đốt khoảng 39.000 USD tiền điện hàng ngày. Bù lại thì lượng điện ổn định tạo ra từ nhiệt điện (sử dụng than) đang giúp họ khá nhiều thay vì thủy điện. Đương nhiên nó khiến môi trường cũng bị hủy hoại nhiều hơn.
Bên cạnh Ordos, Vân Nam và Tứ Xuyên cũng là 2 khu vực ưa thích của giới đầu tư Bitcoin nhưng do điện chủ yếu cung cấp bởi thủy điện nên mùa đông sẽ luôn diễn ra tình trạng thiếu điện vì mưa ít và sông đóng băng khiến ác công ty tại 2 khu vực này buộc phải di chuyển sang các địa điểm khác có điện ổn định hơn. Chi phí do đó cũng phát sinh bởi quan trọng hơn trong ngành công nghiệp Bitcoin, thời gian là vàng.
Nỗ lực của chính quyền tại Ordos cũng giúp đời sống người dân ở đây tăng cao. Bằng việc bắt buộc các đơn vị công nghệ phải tuyển dụng người dân địa phương, rất nhiều thanh niên trẻ đã đổi đời nhờ được tuyển vào những công ty như Bitmain với mức lương khoảng 600 USD cơ bản, cao gần gấp đôi so với các ngành nghề trong cùng khu vực. Người dân ổn định đời sống và có thể đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác, đẩy nền kinh tế của cả vùng đi lên
Quản lý khu mỏ tên Wang Wei, 36 tuổi, từng thất bại trong thiết kế nội thất lẫn than. Cuối cùng Wang lại trôi dạt về với Bitcoin. Anh không giấu nổi vui mừng khi nói rằng đây là ngành công nghiệp cứu cánh cho cả vùng. Trung Quốc đang dần công nhận đây là một ngành công nghiệp đặc biệt nên có những hỗ trợ nhất định để đẩy mạnh sự phát triển.
“Nông trại” Bitcoin về cơ bản đã đem lại một bộ mặt khác cho nhiều người, nhiều thế hệ. Liệu bạn có dám thử?
Tổng Hợp | Theo TechZ