Sunday, July 3, 2016

Unknown

Đây là lý do bạn nên tự hào về Tiếng Việt



Sau 1 thời gian học và va chạm không mấy vui vẻ với một số ngôn ngữ châu Âu khác nhau, mình rút ra được vài điều:
TIẾNG ĐỨC
Tiếng Đức là thứ ngôn ngữ rất kỳ dị, đấy là nói rất nhẹ Có RẤT nhiều các chỉ từ (article) khác nhau. Tiếng Anh có a an the thì tiếng Đức có der die das des dem den der (der này lại khác cái der ban đầu kia nha không phải mình viết lặp đâu) ein eine einem einen vv
Số lượng chỉ từ nhiều như số lượng muỗi tại Phần Lan mùa hè một phần xuất phát từ việc mọi sự vật đều có GIỚI TÍNH, nhưng không phải chỉ nam nữ như tiếng Pháp mà còn có giới tính TRUNG LẬP (LGBT before it was cool). Về cơ bản thì không phải "cái bàn", "cái túi", "cái ô tô" mà phải là "anh bàn", "chị túi", "cái ô tô". Điều tuyệt vời hơn nữa là không có quy luật gì mấy để biết cái gì là đực hay cái, trừ cái mình biết là tên có chữ e ở cuối thì thường là cái (????) Như kiểu nếu bạn tên là Hiếu thì bạn là con trai nhưng tên là Huế thì phải là con gái. Mà nhân tiện thì Huế là cách ông thầy dạy tiếng Đức phát âm tên mình.
Tiếp theo là như ông thầy nói là Mark Twain đã nói là khi người Đức bắt đầu một câu, đợi họ bơi xong qua bên kia Đại Tây Dương thì họ sẽ trồi lên với động từ của họ. Vâng trong những câu phức tạp hơn một chút thì động từ lúc nào cũng là từ cuối cùng của câu. Thật là tệ khi bạn phải nghe khoảng 20 từ phụ trước khi mới biết câu nói về cái gì, và khi bạn nhận ra câu nói về cái gì thì bạn đã quên hết các chi tiết ̀trước đó. Ví dụ "Hôm nay tôi sẽ lúc 8h chiều tại một chỗ gần trường đại học Bách Khoa Hà Nội cùng với các bạn tôi rất vui bóng rổ chơi." Các bạn có thể hình dung ra làm bài nghe nó kinh khủng tới mức nào.
TIẾNG PHẦN LAN
Cá nhân mình thích tiếng Phần Lan hơn tiếng Đức, vì nó dễ phát âm hơn, giàu nguyên âm (giống tiếng Việt), mỗi ̀chữ cái chỉ có một cách đọc (giống tiếng Việt), về ngữ pháp cũng khá hệ thống. Tuyệt vời nhất là không có article nào cả và không có giới tính nào cả, không có khái niệm anh ta, cô ta, mọi thứ đều là "nó". Chỉ có điều 
Nó giàu âm giống TV nhưng không giàu điệu. Nghĩa là nghèo điệu. Hoặc không có điệu. TẤT CẢ CÁC CÂU trong tiếng PL đều được phát âm theo cách giống nhau: nhấn mạnh ở đầu rồi dần dần đi xuống (tưởng tượng cách phát âm Phần Lan + cấu trúc động từ ở cuối của tiếng Đức). Vâng, tôi đang nói đến cả câu hỏi, câu mệnh lệnh, tất cả các loại câu đều có một cách nói đó. Khi học một ngôn ngữ thứ 2, bạn thường phải dựa vào ngôn ngữ cơ thể và tông điệu để đoán 1 phần nào ý nghĩa của câu. Đoán xem khi đối diện với 1 người mà không biết người ta đang tức hay buồn, đói hay no, vui hay chán, thậm chí không biết người ta đang hỏi mình hay nói chuyện với mình để trả lời thì nó dễ dàng như nào 
Tiếng mình học và tiếng ngoài đường người ta nói là 2 thứ tiếng khác hẳn nhau. Đúng hơn là không ai nói cái thứ tiếng chính thức mà chỉ được dùng trong văn bản hoặc thời sự. Nhưng học cái tiếng nói cũng khó, vì tất cả các vùng đều có phiên bản khác nhau  Nói chung là học mãi thì cũng chỉ đọc và viết được, còn ra đường thì dùng tay chân hoặc dùng câu thần chú giải được mọi rắc rối trên thế giới này, đấy là "Sorry do you speak English?"
Khi peruspalveluliikelaitoskuntayhtymä là một từ, bạn biết bạn gặp rắc rối rồi. Mà đấy không phải là mấy từ chẳng ai dùng như kiểu antidisestablishmentarianism mà người dùng tiếng Anh hay lôi ra để minh họa về độ dài của từ đâu, gần như mọi từ trong tiếng Phần Lan đều dài hoặc có thể dài được như vậy. Bằng cách nào đó người ta rất thích ghép các từ vào với nhau: "Juoksentelisinkohan?" nghĩa là "Tôi tự hỏi tôi có nên đi lại loanh quanh một cách vô nghĩa hay không?" Vâng tôi cũng tự hỏi là trong quá trình đi loanh quanh vô mục đích thì làm thế đéo nào mà bạn phát minh ra được một từ như thế vậy.
TIẾNG VIỆT
Ahhh, tiếng Viêt là một thứ tuyệt vời. Là đứa con hoang (nhưng lại thừa hưởng hết gen tốt của bố mẹ) của bảng chữ cái Latin và cách phát âm Trung Hoa, tiếng Việt đem vẻ đẹp của cả 2 dòng ngôn ngữ trộn lại với nhau và cho ra một sản phẩm đẳng cấp, tinh túy và vượt trội. Các giáo sỹ châu Âu cho chúng ta 24 chữ cái, chúng ta thêm ê, ư, ơ các kiểu, ăn bớt một số chữ như f và w để cho ra bảng 29 chữ nhiều nguyên âm gần nhất thế giới. Người Trung Hoa cho chúng ta 4 thanh, và chúng ta biến nó thành 6 thanh ngang sắc huyền hỏi ngã nặng mà hoàn toàn không thể giải thích được với người nước ngoài.
Cái mà chúng ta được thừa hưởng là một thứ tiếng vừa giàu âm lại vừa giàu điệu, thứ ngôn ngữ mà không cần dùng vần, chỉ cần dùng tiếng đã đủ thành thơ.
Thứ tiếng mà khi giải thích về cách phát âm "bạn phải đi lên" "bạn phải đi xuống" "bạn phải cầm cái từ và kéo giãn nó ra" đã khiến người ta phải thốt lên "thật lạ là các bạn lại miêu tả được ngôn ngữ theo cách như thế!".
Thứ tiếng giàu âm giàu điệu bởi vì cả một dân tộc đã cố gắng gìn giữ, bảo vệ, lưu truyền nó qua ngôn ngữ nói, qua những câu ca dao, những bài vè, những lời hát ru. Bị áp đặt ngôn ngữ viết, người Việt chỉ có lựa chọn làm giàu tiếng nói để gìn giữ lấy bản sắc của mình, và bằng ý chí phi thường của mình, họ đã làm được. Tiếng Việt là thứ duy nhất khiến hiện giờ mình không phải người Trung Quốc hay người Pháp nhỏ mà là một người Việt Nam, mà giống như bao người Việt Nam khác, tràn đầy ý thức và lòng tự hào về ngôn ngữ cha ông. Có biết bao nhiêu quốc gia mà người dân hiểu rõ về ngôn ngữ của mình như nước Việt? Bởi thứ ngôn ngữ đó đã gắn liền với lịch sử đau thương nhưng oai hùng, với sự sinh tồn mãnh liệt của dân tộc Việt Nam mà không người Việt nào có thể quên được.
Thứ tiếng mà chứa đầy những từ mượn tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc tới mức mà khi bạn mình đố một loạt từ tiếng Pháp cơ bản, mình đều biết được nghĩa của chúng như poupee (búp bê), len (len), essence (xăng), vv Họ phải hỏi rằng sao mình không biết tiếng Pháp mà biết đươc hết những từ đó, thì mình bảo chỉ cần biết tiếng Việt thôi. Và họ nói đó là một ngôn ngữ thật diệu kỳ. Chưa kể những trò chơi nói từ tiếng Việt với người nói tiếng Trung và ngược lại mà với vốn từ Hán Việt của chúng ta, có thể dễ dàng làm được. Thú thật lúc chơi những cái như thế, mình cũng ngạc nhiên về vốn từ của mình. Có những từ trước đây mình còn không nhận ra là từ mượn.
Nước Việt là một quốc gia nhỏ bé, tiếng Việt là thứ tiếng ít người dùng nên đôi khi người Việt quên mất rằng mình có một gia tài lịch sử - văn hóa - ngôn ngữ lớn tới mức nào. Mình đôi khi cũng đã quên mất bởi đã quá quen với nó, nhưng khi trong một môi trường nước ngoài đa sắc tộc, đặt trong khung tham chiếu với các ngôn ngữ khác, các nền văn hóa khác, mới thấy tiếng Việt giàu, đẹp, mạnh tới nhường nào.

Nguồn : FB : Nguyễn D.Hiếu

Unknown

Unknown -

EvilTTK - Không đổi mới sao tiến tới

Nhận thông tin mới nhất qua mail :