Start Menu của Windows rất đáng chú ý. Đó là thứ mà người ta nghĩ đến khi nhắc tới Windows, là nơi mà bạn sẽ truy cập nhiều tính năng quan trọng của hệ điều hành này, và là một biểu tượng cho Microsoft. Start Menu ra đời lần đầu tiên trên Windows 95 và tính đến nay nó đã xuất hiện được hơn 20 năm. Qua ngần ấy thời gian nó cũng tiến hóa rất nhiều, từ một khu vực đơn giản ở dạng danh sách biến thành một màn hình với các ô Live Tile như trên Windows 10 ngày nay. Trong bài này, mời các bạn điểm qua lại lịch sử của Start Menu cũng như tác dụng và điểm nhấn của nó qua từng thời kì.
Vào năm 1995, người ta đứng xếp hàng từ nửa đêm để được mua bản cập nhật hệ điều hành Windows mới nhất, và đây cũng là lần đầu tiên Start Menu xuất hiện. Nó được thiết kế để giúp Windows trở nên dễ dùng hơn bằng cách nhóm các ứng dụng và tính năng có liên quan lại với nhau. Trước khi nó xuất hiện, người ta thực hiện việc này bằng cách xài cửa sổ Program Manager, trong đó chỉ là một danh sách các app và không có sự sắp xếp đúng nghĩa nào cả. Nhờ có Start Menu mà Windows 95 được xem như là một đợt "cải cách" lớn với OS của Microsoft và nó đã giúp mang Windows tiến vào kỉ nguyên điện toán mới.
Start Menu của Windows 95 xuất hiện chung với thanh taskbar. Đây là nơi xem nhanh thời gian, chỉnh âm lượng, kết nối mạng... Ngoài ra, bất kì ứng dụng nào được chạy lên cũng sẽ xuất hiện trên taskbar để giúp người ta chuyển nhanh giữa chúng.
Start Menu và taskbar luôn xuất hiện ở góc dưới bên trái màn hình, điều này cho phép người dùng truy cập nhanh đến chúng dù cho họ có đang sử dụng phần mềm nào hay đang thực hiện tính năng gì đi nữa. Nó đã góp phần loại bỏ đi cửa sổ dòng lệnh Command Prompt với hầu hết các thao tác, và rất nhanh chóng trở thành nơi người dùng mở các tài liệu, cấu hình, chạy app, hay chỉ đơn giản là để tắt máy tính.
Nhìn sơ qua thì Start Menu trên Windows 98 không khác mấy so với Windows 95. Nó được bổ sung thêm nút log off để xài với giao diện đa người dùng mới của hệ điều hành, còn bố cục, icon, chữ nghĩa thì gần như tương đồng với bản đầu tiên. Microsoft cũng có bổ sung thêm thư mục Favorite để mở nhanh các trang web ưa thích mà người dùng đã lưu bằng Internet Explorer. Ngày nay người ta ít khi xài thư mục này mà dùng thẳng tính năng Bookmarks của trình duyệt. Đây cũng là một trong những nỗ lực của Microsoft trong việc giúp Internet trở nên phổ biến hơn và tiếp cận được với nhiều người hơn.
Trong khi đó, thanh taskbar thì có nhiều thay đổi hơn. Microsoft bổ sung Quick Launch, một khu vực dùng để ghim các phần mềm thường sử dụng. Nó nằm bên cạnh nút Start và có thể co giãn được tùy theo số lượng app ghim ra. Quick Launch cũng có một tùy chọn Show Desktop để thu nhỏ nhanh mọi cửa sổ và trở về màn hình desktop, lý do là vì nhiều người dùng thường đặt tài liệu của mình ở đây.
Đến Windows ME, mặc dù phiên bản hệ điều hành này dính nhiều lỗi và vấn đề nhưng Start Menu vẫn là một thành phần hoạt động ổn định.
Windows 2000 được thiết kế dành cho người dùng chuyên nghiệp, vậy nhưng Start Menu vẫn xuất hiện như một lẽ thường tình. Microsoft có thay đổi vài thứ nhỏ, ví dụ như đưa Windows Update ra ngoài, chỉnh lại vị trí một vài mục, nhưng cơ bản là không đổi nhiều. Đây cũng là lần cuối cùng chúng ta thấy giao diện Start Menu theo kiểu Windows 95.
Windows XP đánh dấu lần đầu tiên Microsoft thay đổi thiết kế ngoại hình cho Start Menu. Nó nhìn rất khác so với trước, bắt đầu bằng việc Start Menu giờ chia thành hai khu vực khác nhau, màu xám buồn tẻ cũng không còn mà mặc định nó sẽ xài chung theme màu xanh dương và xanh lá của Windows XP. Nguyên thanh taskbar cũng khoác lên mình chiếc áo màu xanh, và Microsoft đã tinh chỉnh lại thành phần này để nó tự ẩn đi những ứng dụng không xài tới. Taskbar cũng cho phép đặt các thanh công cụ nhỏ lên đó, và các lập trình viên bên ngoài bắt đầu tận dụng chức năng này để giúp người dùng tìm kiếm, chơi nhạc và làm nhiều thứ khác.
Vào thời Windows XP, rất nhiều ứng dụng bên thứ ba cũng ra đời để giúp người dùng tinh chỉnh lại giao diện của Start Menu theo ý thích của mình, từ việc đổi nút Start, đổi màu sắc cho đến các sắp xếp các thành phần chính. Chắc anh em vẫn còn nhớ cái thời mà tuần đổi theme mấy lần nhỉ.
Windows Vista đưa Start Menu lên một "đẳng cấp" khác khi thiết kế lại nó cho bóng bẩy hơn, đẹp mắt hơn (và cũng tốn tài nguyên hệ thống hơn). Đặc trưng nhất của Start Menu ở thời này là nền trong mờ nhìn xuyên xuống desktop được. Phong cách Aero Glass này cũng được áp dụng cho hầu hết những thành phần chính của hệ thống, bao gồm thanh taskbar, tiêu đề cửa sổ, thậm chí là cả thanh sidebar chứa widget. Một điểm bị chê của Start Menu trên Vista đó là nó đã bỏ đi các icon nằm ở danh sách Documents, Pictures, Music, Control Panel... Điều này làm người dùng khó nhận biết ra thứ mình cần hơn. Và có thể bạn không để ý, nhưng nút Start giờ đã biến thành hình tròn, và đây cũng là logo của Vista.
Nhưng thay đổi đáng chú ý của Start Menu trong thời điểm đó chính là việc tích hợp tính năng tìm kiếm. Từ XP trở về trước Start Menu không hề có khả năng tìm kiếm, còn từ Vista trở đi nó đã trở thành công cụ tìm kiếm chủ lực của người dùng khi họ cần tìm một thứ gì đó nằm trên máy, ví dụ như app, tài liệu, file nhạc...
Tới Windows 7, Start Menu không có nhiều thay đổi so với Vista. Nút shutdown được mang ra để dễ nhìn và dễ sử dụng hơn, còn lại thì gần như chẳng thay đổi gì. Thanh search ở thời này được sử dụng nhiều hơn nữa khi Microsoft tinh chỉnh lại để tăng tốc tìm kiếm và đánh chỉ mục tốt hơn ngay cả với tài liệu và thiết lập cấu hình hệ thống.
Microsoft quyết định sẽ bỏ đi Start Menu trong Windows 8. Hãng nghĩ rằng đây là thời của thiết bị màn hình cảm ứng, và Start Menu nhỏ xíu sẽ không còn phù hợp để chạm bằng ngón tay nữa. Thế là Start Screen ra đời, còn nút Start và Start Menu quen thuộc không còn xuất hiện ở bất kì chỗ nào nữa. Start Screen là cả một giao diện chiếm đầy màn hình, trên đó là các ô vuông đại diện cho các app của Windows 8 và người dùng sẽ chạy nhanh các phần mềm của mình từ đây. Start Screen là thay đổi lớn nhất với Start Menu tính đến thời điểm hiện tại, và cũng là thay đổi lớn nhất với chính bản thân Windows.
Tuy nhiên, mọi thứ không đi theo đúng đường mà Microsoft đã nghĩ. Người dùng tỏ ra rất không thích việc Start Menu biến mất, trong khi Start Screen thì lại không phù hợp để dùng với chuột và bàn phím. Nó làm theo tác điều hướng trở nên phức tạp hơn, duyệt app khó khăn hơn, ngay cả việc shutdown máy tính cũng khó khăn hơn. Start Screen làm cho người dùng Windows lâu năm bị rối, còn người dùng mới thì mất thời gian học hơn. Đến Windows 8.1, Microsoft có mang nút Start trở lại nhưng vẫn chưa có Start Menu, nhấn vào đây thì Start Screen lại xuất hiện.
Phải tới tận Windows 10 Microsoft mới mang Start Menu trở lại. Lần này, Start Menu được thiết kế để giữ lại những điều quen thuộc của Windows 7 trong khi vẫn sở hữu những điểm mới của Windows 10. Cụ thể hơn, Start Menu ngoài nhiệm vụ liệt kê các ứng dụng, mở nhanh các thư mục thường xài thì còn có một loạt các ô vuông Live Tile gắn lên. Những ô này giờ nằm gọn vào một góc màn hình nên người dùng xài chuột và bàn phím có thể truy cập đến chúng tự nhiên và tiện lợi hơn.
Start Menu trên Windows 10 cũng gắn liền với thanh taskbar và thanh tìm kiếm mới. Chúng chia sẻ cùng đặc điểm ngoại hình và thậm chí còn hòa hợp vào nhau khi mở ra. Không thể không kể đến Cortana, cô trợ lý ảo của Microsoft giờ cũng nằm chung trên taskbar và cạnh nút Start.
Trên Windows 10, tất cả những thứ nói trên được thiết kế cho người dùng laptop, desktop truyền thống, trong khi vẫn hỗ trợ chế độ riêng cho người dùng tablet. Điều này đã giúp Windows 10 nhận được phản hồi rất tích cực từ phía khách hàng lẫn các chuyên gia. Kết hợp với việc cho nâng cấp free, Windows 10 có tốc độ update cực kì nhanh trên toàn cầu.
Nguồn : Tinh tế - The Verge